Cứ ai chạm vào người tớ, là tớ thấy "nhột" lắm ý!
Bạn đã từng bị người khác cù? Bạn thấy "nhột" (buồn) và cười phá lên? Hãy cùng chúng tớ tìm hiểu "Vì sao lại thế?" nhé!
Theo cách nói của các cụ nhà ta thì câu trả lời đơn giản đó chính là “Bạn có máu buồn!”. Thực chất, đây là cách nói dân dã chỉ trạng thái bị người khác tác động vào cơ thể, nhất là những vùng nhạy cảm như lỗ mũi, lỗ tai, nách, cổ, sườn, gan bàn chân… Cảm giác này đã xuất hiện khi chúng ta tròn 21 ngày tuổi rồi đấy các bạn ạ!
Vậy tại sao chúng ta lại bị "nhột" nhỉ? Theo nhà bác học nổi tiếng Charles Darwin, “nhột” là một phản xạ tự nhiên của con người, đánh dấu sự tiến hóa trong lịch sử. Con người tiến hóa từ loài vượn cổ, trong quá trình tiến hóa ấy các vũ khí bảo vệ tự nhiên biến mất dần, đòi hỏi các cơ quan còn lại phải “tinh tế” hơn để thích ứng với môi trường. Chỉ cần một chú côn trùng nhỏ nào bò lên da là ta sẽ có cảm giác về sự hiện diện của chúng. Đặc biệt là ở những vùng cực kì nhạy cảm, nơi có nhiều dây thần kinh tập trung.
Cũng theo các nhà khoa học, “nhột” có mối liên hệ trực tiếp với cảm giác đau. Nghiên cứu mới đây tại Mỹ cho biết, trên 90% số người được hỏi thú nhận mình rất “sợ nhột” (cùng tỷ lệ với số người “sợ đau”). Tuy nhiên, mức độ sợ "nhột” của mỗi người một khác, theo lứa tuổi, giới tính và tính cách. Khoảng 95% trẻ em dưới 10 tuổi sợ "nhột". Tỷ lệ này ở lứa tuổi thanh niên là 65%, trung niên là 35% và từ 65 tuổi trở lên là 20% . Nữ sợ "nhột” nhiều hơn nam, người trẻ "nhột" nhiều hơn người già. Điều này chứng tỏ ai cũng có "máu buồn" cả, chỉ khác nhau ở mức độ biểu hiện nên nếu sợ "nhột" thái quá thì cũng không phải lo đâu.
Khi bị "nhột", phản ứng của bạn ra sao? Hầu hết đó là phản ứng tự nhiên co rúm mình lại, cười sằng sặc. Phản ứng này cho thấy tính chất di truyền của hiện tượng này được một vùng trong trung tâm thần kinh não điều khiển.
Con người biết đến trạng thái cảm giác này từ rất xa xưa các bạn ạ. Theo các tài liệu cổ, thời kì cổ đại, tại hai đế chế hùng mạnh bậc nhất thế giới là Trung Hoa và La Mã, người ta đã lập ra hình phạt dành cho những kẻ tù tội: đó là bị cù cho tới chết. Kẻ tội đồ bị trói trên tấm ván và bị tưới nước muối nhạt lên hai bàn chân liên tục rồi một đàn dê sẽ luân phiên lấy chiếc lưỡi ráp liếm vào gan bàn chân tội đồ. Người đó cười sằng sặc, cười quằn quại đến khi kiệt sức. Cảm giác này “vui vẻ” đến mức đáng sợ phải không nào?
Thêm một điều thú vị về “máu buồn” nữa là chúng còn nói lên phần nào tính cách của bạn nữa đấy! Người có "máu buồn" là người yêu say đắm, nồng nàn và chủ động hơn. Cũng có thể nói, người không biết “nhột” là gì thường là người lạnh lùng, vô cảm, lười biếng trong tình yêu.
Một điều tra tâm lý khác còn kết luận, những người có nhiều "máu buồn", sợ "nhột" thường quan tâm đến người khác hơn, dịu dàng hơn (nhất là nữ) so với những người dửng dưng với sự "nhột". “Nhột” còn liên quan đến tâm trạng, lúc vui dễ "nhột" hơn lúc buồn. Khi đang xem một tiết mục hài, xung quanh đầy ắp tiếng cười thì chỉ khẽ cù cũng làm bạn cười lăn cười lộn. Ngược lại, nếu phải đứng trước họng súng thì dù con sâu có chui vào lỗ tai, con muỗi có bay vào lỗ mũi thì người ta cũng chẳng có lấy một giọt “máu buồn”.
(Theo PLXH)
0 Comments