Có một sự thật là phái yếu luôn bị lôi cuốn bởi vẻ nam tính của phái mạnh.
>>
Nét đẹp của nữ giới phương Tây theo dòng lịch sử
Trong nhiều thế kỷ qua, vẻ đẹp của các quý ông được mô tả trong nhiều loại hình nghệ thuật như điêu khắc, thơ ca, văn học... Tuy nhiên, quan điểm về vẻ đẹp của đấng mày râu qua con mắt của chị em phụ nữ mỗi thời mỗi khác và ít nhiều có sự khác biệt.
Thời kỳ Cổ đại
Trong thế giới cổ đại, các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên, phương tiện đi lại cũng khá bất tiện như đi bộ, đi ngựa đường dài, đi thuyền… Điều này đòi hỏi người đàn ông phải thực sự dẻo dai, khỏe mạnh với cơ bắp rắn chắc, cơ thể hài hòa cân đối. Bức tượng thần Hermes trông giữ thần Dionysius là tác phẩm điêu khắc duy nhất còn sót lại do 1 trong 6 bậc thầy điêu khắc của Hy Lạp tạo nên. Hermes chính là đại diện cho vẻ đẹp nam giới thời kỳ này.
Bức tượng thần Hermes trông giữ thần Dionysius.
Thời kỳ Cổ đại cũng đánh dấu sự ra đời của Thế vận hội (Đại hội Thể thao Olympic - các cuộc thi đấu thể thao thời Hy Lạp cổ đại từ năm 776 TCN cho đến khi Hoàng đế La Mã là Theodosius I cấm đoán vào năm 394). Hình mẫu lý tưởng mà người phụ nữ hướng tới trong giai đoạn này là một người đàn ông có thân hình hoàn hảo, cân đối, đủ sức che chở và bảo vệ cho gia đình.
Tượng một người đàn ông La Mã.
Thời kỳ Trung cổ
Đây là khoảng thời gian con người sống trong tăm tối, nghèo nàn, đói kém và dịch bệnh. Thời kỳ này, những người nông dân bị đẩy vào hoàn cảnh thiếu thốn, đói ăn, bị ràng buộc bởi các quy tắc của Giáo hội.
Hình thức bên ngoài của người đàn ông trở nên phù phiếm và chẳng mấy ai quan tâm đến việc làm đẹp nữa. Song, quan niệm về vẻ đẹp của nam giới thời kỳ này không hẳn đã biến mất. Những hiệp sĩ thời Trung cổ với thân hình cân đối, bờ vai khỏe mạnh để có thể mang trên mình những bộ áo giáp nặng nề là hình mẫu lý tưởng của các đấng mày râu.
Đến cuối thời này, khi các lãnh chúa thành công trong việc tập trung quyền lực về tay chính phủ, thế lực của giới quý tộc và các hiệp sĩ bị suy yếu. Nhiều thay đổi trong tình hình chiến sự đã khiến những hiệp sĩ mặc áo giáp sắt cưỡi ngựa đen suy tàn, mất dần phong độ, thay vào đó là hình ảnh người đàn ông có phần mềm mại hơn.
Thời kỳ Phục Hưng
Đúng như tên gọi, thời kỳ Phục Hưng là sự trở lại của những lý tưởng cổ điển, sự hồi sinh của thời kỳ Cổ đại với những ảnh hưởng khoa học, văn học, xã hội. Cuộc sống của tầng lớp thượng lưu, sự phát triển của con người hướng đến tự do cá nhân đã đi ngược lại với chế độ đẳng cấp trong thời kỳ Trung cổ. Lý tưởng về vẻ đẹp nam giới cũng quay trở lại với những giá trị giống như thời kỳ Cổ đại.
Bức tượng David của Michelangelo là một ví dụ cho đỉnh cao nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng.
Bức tượng được xem như là một biểu tượng của vẻ đẹp con người trẻ trung và tràn đầy sức mạnh, nó cũng là hình mẫu lý tưởng của đàn ông thời kỳ này. Thời Phục Hưng, những người đàn ông có dương vật nhỏ thường được xem là đẹp, bởi họ cho rằng dương vật lớn chỉ có ở loài thú dữ. Vì thế, dương vật của David được làm nhỏ để thể hiện sự hoàn mỹ của vẻ đẹp thánh thần theo như tín ngưỡng thời kỳ này. Chi tiết trên tay bức tượng David cũng thể hiện sự mạnh mẽ của đàn ông.
Thời kỳ Cận đại
Thế kỷ 17 là khoảng thời gian của sự thịnh vượng và thời trang, mọi người chú trọng đến hình thức và quần áo hơn. Thật khó để tìm thấy những bức tượng hay tranh vẽ những người đàn ông mà không mặc quần áo. Thời kỳ này, ý tưởng về những hình ảnh khỏa thân bị coi là “không sạch sẽ”, thay vào đó là tập trung xây dựng một thế kỷ mới tốt đẹp hơn.
Bức họa “Thetis nhận vũ khí của Achilles từ Hephestus”.
Tuy nhiên, có 1 bức tranh của danh họa Anton Van Dyck, một họa sĩ người Phổ sống vào khoảng thế kỷ thứ 16-17 nổi tiếng với bức họa “Thetis nhận vũ khí của Achilles từ Hephestus” là một cách thể hiện khác về hình ảnh người đàn ông. Trong tranh, từ các động tác đến sự phân bố các nhân vật đều có sự gắn kết với nhau, sự tiếp giáp giữa các khối cơ thể với không gian xung quanh được làm mềm đi, tăng tính hoạt động giữa các nhân vật.
Vua Louis thứ XIV.
Thế kỷ 18 là sự tiếp nối của đạo đức và ý thức. Chủ nghĩa thực dụng được đề cao và được thể hiện ngay trong trang phục. Những người đàn ông càng ăn mặc diêm dúa bao nhiêu thì càng thể hiện sự quý phái và lịch thiệp của mình.
Hình ảnh những người đàn ông trong giới thượng lưu – chuẩn mực của cái đẹp thời kỳ này.
Nếu như ở những thế kỷ trước, sự diêm dúa, cầu kỳ trong cách ăn mặc thể hiện sự quý phái của người đàn ông thì từ thế kỷ 19, sự nhẹ nhàng, chau chuốt được đề cao. Sự nữ tính và điệu đà trong trang phục đã nhường lại cho phái yếu, thay vào đó là bộ vest đuôi tôm lịch thiệp, sang trọng. Trong con mắt của phái yếu thời kỳ này, một người đàn ông đẹp phải là người có thân hình lý tưởng, sự nam tính toát ra từ gương mặt cho đến thân hình và dáng điệu, cử chỉ.
Phái đẹp mỗi thời, mỗi lứa tuổi lại càng phức tạp hóa hơn khái niệm “lý tưởng” cho người đàn ông mình thích. Cái đẹp cũng có tính thời đại, thước đo vẻ đẹp của con người cũng thay đổi theo thời gian. Quan điểm người đàn ông lý tưởng không phải ai cũng giống ai, tuy nhiên, với phái đẹp, dù ở thời kỳ nào, một người đàn ông trẻ trung, khỏe mạnh, cơ thể cân đối vẫn được coi là biểu tượng hoàn hảo của phái mạnh.
(Theo PLXH)
0 Comments