Có khi, cùng là một chiếc bánh ngọt, bạn thì tấm tắc khen ngon trong khi đứa bạn thân lại kêu nhạt miệng. Tại sao vậy?
Mỗi người chúng ta đều có một khẩu vị khác nhau và nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng, khả năng cảm nhận hương vị ở mỗi người là khác nhau. Có khi, cùng là một món ăn, bạn thì khen ngon "hết sảy" trong khi đứa bạn thân lại bỏ dở giữa chừng vì "chán ốm". Bạn tự hỏi tại sao cách cảm nhận hương vị của chúng mình lại khác nhau nhiều như vậy?
Cảm nhận khác nhau về cùng loại đồ ăn.
Trước khi khám phá bí mật này, chúng mình cần tìm hiểu cấu tạo của lưỡi đã nhé! Trên bề mặt lưỡi của chúng ta là hàng nghìn những nụ vị giác hình cây nấm có kích thước hiển vi. Chúng là những cơ quan cảm nhận vị giác của cơ thể. Khi ăn, các phân tử thức ăn được hòa tan, kích thích các phản ứng hóa học diễn ra trong nụ vị giác. Từ đó, xung thần kinh được truyền về não bộ, giúp ta nhận biết được các vị khác nhau như ngọt, mặn, chua, cay, đắng và unami (vị thịt cảm nhận được từ các phân tử protein).
Hình ảnh phóng to của nụ vị giác trên lưỡi.
Các nhà khoa học ước tính khoảng 25% dân số thế giới có số lượng nụ vị giác nhiều hơn bình thường, vì vậy rất nhạy cảm với hương vị của đồ ăn. Trong khi đó, 25% khác rơi vào thái cực ngược lại. Họ rất khó cảm nhận được vị ngon của món ăn do số lượng nụ vị giác ít hơn mức trung bình. Còn lại 50% nằm giữa hai nhóm trên, có khả năng cảm nhận hương vị một cách bình thường.
Nụ vị giác ở lưỡi.
Nếu xét theo số lượng nụ vị giác trên lưỡi, sự phân hoá giữa hai nhóm “nhạy cảm” và “chây lỳ” vị giác khá lớn. Chẳng hạn, nếu vẽ một vòng tròn đường kính 6mm trên bề mặt lưỡi, một teen “nhạy cảm” có thể có đến 60 nụ vị giác, trong khi những bạn “trơ” nhất có thể chỉ đếm được… 5 nụ vị giác mà thôi.
Tại sao số lượng nụ vị giác của con người lại phân hóa khác nhau đến vậy?
Khoảng 25% chúng ta ít nhạy cảm với hương vị của thức ăn.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, trong suốt lịch sử tiến hóa, tổ tiên loài người phải liên tục di chuyển đến những vùng đất mới. Những người sở hữu vị giác nhạy cảm có cơ may sống sót cao hơn khi họ dễ dàng nhận biết được vị đắng, vị phổ biến của các loại chất độc trong cây cỏ. Bù lại, những người có vị giác kém nhạy cảm lại có khả năng thích ứng với nhiều loại thức ăn hơn. Do đó, khi điều kiện môi trường thay đổi, mỗi nhóm người lại có ưu thế với các loại thực phẩm nhất định.
Một sự thật khá bất ngờ là ở các teen girl, số người nhạy cảm vị giác chiếm tới 35%, trong khi các teen boy sành ăn chỉ chiếm tỉ lệ 15% mà thôi. Có lý giải cho rằng, với vai trò làm mẹ, người phụ nữ cần có khả năng vị giác phát triển hơn để nhận biết các loại thức ăn, bảo vệ cho đứa con trong quá trình mang thai.
Khả năng phân biệt thức ăn có độc là vô cùng quan trọng.
Rõ ràng, số lượng chồi vị giác ảnh hưởng rất nhiều đến cách ăn uống của chúng ta. Chẳng hạn, những bạn “nhạy cảm” có xu hướng tránh những đồ ăn cay và nóng, trong khi các bạn “trơ” vị giác thường dùng nhiều gia vị. Tuy nhiên, cách ăn uống của chúng ta còn là một quá trình luyện tập và thích ứng với nhiều loại đồ ăn. Do đó, một bạn nhạy cảm vị giác không nhất thiết phải là một người kén chọn ăn uống. Trên thực tế, có những người có số lượng chồi vị giác lớn nhưng vẫn thích uống cà phê đắng và ăn cay.
Do vậy, chúng ta nên chú ý ăn đầy đủ các loại thức ăn để cơ thể phát triển khoẻ mạnh. Với những loại thức ăn có vị đắng như mướp đắng, ngải cứu, măng tây, bạn nên kết hợp chúng với các loại đồ ăn khác để vị đắng bị át đi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên ăn quá nhiều muối hay ớt để tránh các tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Mướp đắng nhồi thịt – một ví dụ về cách kết hợp các hương vị.
Theo PLXH
0 Comments