Tại sao tiếng cọ móng tay lên bảng lại làm chúng ta “ớn" hết cả người?
Hầu hết mọi người đều rất sợ tiếng cào móng tay trên bảng phấn. Thậm chí, chỉ nghĩ tới âm thanh đó thôi đã thấy “sởn da gà” rồi. Vậy tiếng động xung quanh ảnh hưởng như thế nào đến phản ứng cơ thể chúng ta?
Trong một nghiên cứu về âm nhạc ở châu Âu, các nhà khoa học cho rằng, cấu tạo hình dạng tai của con người chính là nguyên nhân khiến chúng ta dị ứng với những âm thanh như vậy.
Cấu tạo của tai người. (Nguồn: UCL)
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phản ứng của những người tham gia thí nghiệm khi phải chịu đựng các tiếng ồn khó chịu như tiếng dĩa cào xốp, tiếng đồ kim loại ma sát vào nhau. Người tham gia thí nghiệm sẽ lần lượt đánh giá mức độ khó chịu của mỗi loại âm thanh. Theo kết quả thu được, loại tiếng động khó chịu nhất là tiếng móng tay cào lên bảng hoặc tiếng một mẩu phấn bị lẫn sạn cọ ngang lên phiến đá trơn nhẵn.
Ở một thí nghiệm khác nghiên cứu về phản ứng của cơ thể, sự thay đổi nhịp tim, huyết áp với các loại tiếng động khác nhau, nhóm người tham gia sẽ được nghe một đoạn âm thanh. Tuy nhiên, âm thanh này đã được sửa thành nhiều dạng như loại bỏ tạp âm, thay đổi tần số sóng âm hay bỏ đi các tiếng động đi kèm.
Sau đó, nhóm người tham gia đã chia thành hai nhóm với hai ý kiến khác nhau. Một nhóm nói rằng đó là bản âm thanh gốc. Nhóm còn lại thì nói đoạn âm thanh đó đã được chỉnh sửa. Sau đó, cả hai nhóm lại được nghe lại đoạn băng một lần nữa. Các nhà nghiên cứu đã thấy có sự khác nhau giữa phản ứng của bề mặt da, nhịp tim và huyết áp của hai nhóm.
Giáo sư Michael Oehler - một trong những chuyên gia hàng đầu về các phương tiện truyền thông và quản lý âm nhạc tại Đại học Cologne ở Đức - cho rằng, tần số âm thanh làm chúng ta khó chịu nhất không phải là tần số cao nhất hay thấp nhất. Thay vào đó, nó là khoảng âm thanh dao động từ 2.000 đến 4.000Hz. Trong đó, có tiếng móng tay cào lên bảng, tiếng khóc của một em bé hay thậm chí là một bài phát biểu của người nào đó trước đám đông.
Việc ta "căm ghét" một loại âm thanh nào đó phụ thuộc vào sự khuếch đại âm thanh của tai.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, thực tế, việc tai chúng ta có khả năng tự khuếch đại những âm thanh mang tính nghiêm trọng và cấp bách lại là một lợi thế. Ví dụ, chúng ta có khả năng nhận ra ngay lập tức rằng em bé khóc vì cảm thấy khó chịu. Chúng cần sự có mặt của bố mẹ để dỗ dành. Việc chúng ta khó chịu với một số âm thanh như tiếng móng tay cào mặt bảng chỉ là “tác dụng phụ” của khả năng khuếch đại ở tai mà thôi.
Nếu biết rằng đoạn âm thanh được trích ra từ một bản nhạc, ta sẽ có tâm lý đón nhận nó thoải mái hơn.
Giáo sư Oehler và đồng nghiệp của ông, giáo sư Christoph Reuter thuộc Đại học Vienna đã nhận ra rằng, chúng ta không ưa tiếng cào bảng còn phụ thuộc vào vấn đề tâm lý. Hai nhóm nghiên cứu đã cho chúng ta thấy họ cảm thấy dễ chịu hơn nếu biết rằng đoạn âm thanh đó lấy từ một bản nhạc. Do vậy, nhiều khả năng, chúng ta sẽ bớt “sởn da gà” với tiếng móng tay cào mặt bảng nếu không tự cho rằng chúng thật sự khó chịu.
Việc nghiên cứu phản ứng của con người với các loại tiếng động có thể giúp ta “thiết kế” các loại âm thanh trong cuộc sống hàng ngày. Các nhà sản xuất sẽ biết cách điều chỉnh tiếng máy hút bụi, máy rửa bát, các thiết bị xây dựng… trở nên “êm tai” hơn.
(Theo PLXH)
0 Comments