Ngoài Vịnh Hạ Long của Việt Nam ra, 27 địa điểm tuyệt vời nằm trong vòng chung kết Kỳ quan Thiên nhiên là những nơi nào vậy?
>>
Tự hào Vịnh Hạ Long lọt chung kết 7 kỳ quan Thiên nhiên
Như đã đưa tin, cuộc bình chọn 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới đã đi tới vòng chung kết với danh sách 28 địa danh khắp thế giới. Chúng mình cùng khám phá các "thiên đường hạ giới" này nhé!
1. Rừng Amazon (Nam Mỹ)
Rừng Amazon hiện chiếm một nửa số rừng mưa nhiệt đới còn lại trên Trái Đất cùng rất nhiều loài sinh vật quý hiếm. Bên cạnh đó, sông Amazon còn là con sông có trữ lượng nước lớn nhất thế giới.
2. Đảo Bu Tinah (Ả Rập)
Nằm ở bờ biển phía tây Abu Dhabi, Ả Rập với thềm nước nông, thảm cỏ biển, rừng đước cao và nhiều dải san hô ngầm. Là nơi sinh sống của hồng hạc, chim ưng biển, nhiều chủng loại cá heo, loài rùa mỏ diều hâu quý hiếm và quần thể cá nược lớn thứ hai thế giới.
3. Đảo núi lửa Galapagos (Ecuador)
Những hòn đảo núi lửa Galapagos nằm ở vùng ven biển Ecuador, nổi tiếng với sự phong phú của các loài động vật đặc hữu chỉ có ở đây.
4. Thác Iguazu (Argentina - Brazil)
Nằm ở biên giới Argentina và Brazil, gồm 275 thác nhỏ. “Devil’s Throat” (Họng Quỷ) là thác nhỏ cao nhất thế giới với chiều cao 80m. Iguaza là một trong những thác lớn nhất thế giới với tổng chiều dài 2.700m.
5. Công viên Quốc gia Komodo (Indonesia)
Bao gồm hòn đảo Komodo Rinca và Padar cùng nhiều đảo nhỏ khác. Công viên được thành lập năm 1980 nhằm mục đích bảo vệ rồng Komodo. Đây là nơi bảo vệ nhiều loài sinh vật hải dương khác.
6. Đảo Milford Sound (New Zealand)
Hòn đảo phía Nam này chạy sâu vào lục địa 15km từ vùng biển Tasman, được bao quanh bởi những mặt đá thẳng dốc cao đến 1.200m. Nơi đây còn là chỗ trú ẩn của các loài hải cẩu, chim cách cụt và cá heo.
7. Núi "chiếc bàn" (Nam Phi)
Quả núi có đỉnh phẳng lì ở Thủ đô Cape Town đã trải qua 6 triệu năm bị bào mòn để có được hình dạng độc đáo này. Ngọn núi là một vương quốc thu nhỏ của các loài hoa với 1.470 chủng loại quý hiếm.
8. Thác Angel (Venezuela)
Thác nước cao nhất thế giới (1.002m) này nằm ở Venezuela (vùng biên giới giáp với Brazil). Nó cao gấp 19 lần thác Niagara, có đoạn nước đổ thẳng dài 807m.
9. Vách đá Moher (Ai-len)
Được tạo nên từ phiến thạch và sa thạch, tọa lạc ở hạt Clare, Ai-len. Con sông 300 triệu năm tuổi chảy xuyên qua phần nền của những vách đá là nơi trú ngụ của nhiều loài vật, trong đó chủ yếu là chim.
10. Hẻm núi Grand Canyon (Mỹ)
Hẻm núi Grand Canyon thuộc quần thể công viên Quốc gia Grand Canyon, được tạo ra cách đây hơn 6 triệu năm trước bởi con sông Colorado. Hẻm núi dài 446km và sâu hơn 1,6km.
11. Hang động Jeita Grotto (Li-băng)
Nằm cách 20km về phía Bắc Thủ đô Beirut trong thung lũng Nahr al-Kalb. Hang động Jeita Grotto là đường hầm thông thoát cho một con sông dưới lòng đất dài 6.230m. Tổng chiều dài của hang lên đến hơn 9.000m.
12. Dải san hô The Maldives
Kỳ quan này bao gồm 26 dải san hô vòng rải rác trên biển Ấn Độ Dương. Toàn bộ khu vực gồm 1.192 đảo nhỏ, trong đó hơn 200 đảo có người sinh sống.
13. Núi lửa bùn (Azerbaijan)
Những núi lửa bùn này được hình thành từ chất lỏng và khí ga trong lòng đất. Ước tính, khoảng 300 trong tổng số 700 núi lửa bùn được tìm thấy ở Gobustan, Azerbaijan, và vùng biển Caspi.
14. Núi đổi màu Uluru (Úc)
Ngọn núi này cao 348m với chu vi 9,4km, có thể thay đổi màu tùy theo từng thời điểm trong ngày.
15. Vịnh Fundy (Canada)
Khu vực này là nơi có thủy triều cao nhất trên thế giới với độ sâu 16,2m. Nổi tiếng với những cụm đá hình thành ven biển, những tác động thủy triều đặc thù và hóa thạch. Đây là nơi sinh sống của loài cá heo quý hiếm và những chú chim di cư.
16. Biển Chết (Israel - Jordan - Palestine)
Bờ biển Chết thì nằm thấp hơn những 420m so với mực nước biển. Đây là điểm đất liền thấp nhất trên Trái Đất. Biển Chết có nồng độ mặn khoảng 30%, cao gấp 8,6 lần so với đại dương.
17. Dải đá ngầm Great Barrier (Úc)
Dải đá ngầm này là nơi có hệ thống dải san hô lớn nhất thế giới với khoảng 3000 dải san hô và 900 đảo. Diện tích của nó lên đến 344.400 km vuông, đây là dải san hô có thể nhìn thấy từ vệ tinh.
18. Đảo Jeju (Hàn Quốc)
Hòn đảo núi lửa này nằm cách bờ biển phía Nam Hàn Quốc 130km. Đây là nơi chế ngự ngọn núi lửa ngầm Hallasan và "sở hữu" khoảng 360 ngọn núi lửa lân cận.
19. Khu vực hồ Masurian (Ba Lan)
Khu vực này có hơn 2000 hồ, được tạo thành từ Kỷ Băng hà, trải dài khoảng 290km theo hướng Đông chạy từ hạ lưu sông Vistula đến tận biên giới Phần Lan và Lithuania.
20. Sông ngầm Puerto Princesa (Philippines)
Đây là con sông ngầm dài nhất thế giới (8,2km), chạy qua một hang động sau đó đổ ra biển. Những cây cổ thụ mọc trên miệng hang đã tạo nên nét đặc biệt cho Puerto Princesa.
21. Núi lửa Vesuvius (Ý)
Đây là một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất thế giới mặc dù đã ngừng hoạt động từ năm 79 sau Công nguyên, sau khi phun trào và phá hủy hai thành phố La Mã là Pompeii và Herculaneum.
22. Rừng đen (Đức)
Khu vực núi phủ rừng này nằm ở phía Tây Nam nước Đức, được bao bọc bởi thung lũng Rhine ở mặt Tây và mặt Nam. Đỉnh cao nhất của khu rừng là Feldberg với độ cao 1.493m.
23. Rừng Quốc gia El Yunque (Puerto Rico, Mỹ)
El Yunque là tên một khu rừng Quốc gia tại Puerto Rico và cũng là tên đỉnh núi cao thứ hai của hòn đảo này. Được biết, đây là khu rừng nhiệt đới ẩm duy nhất trong hệ thống rừng quốc gia của Mỹ.
24. Vịnh Hạ Long (Việt Nam)
Không những nổi tiếng với hàng nghìn đảo đá vôi lớn nhỏ cùng những khu làng sinh sống của người chài lưới nổi trên mặt nước, Vịnh Hạ Long còn có vô vàn hồ nước đẹp tuyệt vời nằm trong những đảo đá vôi.
25. Đỉnh núi Kilimanjaro (Tanzania)
Nằm ở phía Đông Nam Tanzania, là một trong những ngọn núi đỉnh phẳng cao nhất thế giới (5.895m) gồm 3 ngọn núi lửa và 4 vùng thực vật khác biệt nhau: Vùng dốc thấp, vùng rừng nhiệt đới, vùng đầm lầy, vùng núi cao với sa mạc và đỉnh đóng băng.
26. Núi Matterhorn/Cervino (Thụy Sĩ – Ý)
Đỉnh núi ấn tượng này có 4 mặt dốc đứng, nằm trên khu làng Zermatt (Thụy Sĩ) và khu làng Breuil-Cervinia (Ý). Tuyết lở thường xuyên đã tạo nên những vùng băng rất thích hợp cho hoạt động trượt tuyết nơi đây.
27. Rừng Sundarbans (Bangladesh - Ấn Độ)
Đây là khu rừng đước lớn nhất thế giới, tọa lạc ngay cửa sông Hằng, trải dài trên một phần Bangladesh và phía Tây Bengal (Ấn Độ). Nơi đây có hệ động vật phong phú nằm trong hệ thống những kênh nước thủy triều, đầm lầy và rừng đước ngập mặn.
28. Núi Yushan (Đài Loan)
Núi Yushan còn có tên gọi khác là núi Jade, cao 3.952m. Đây là đỉnh núi cao nhất trong dải núi trung tâm Đài Loan. Vùng chân núi là nơi sinh sôi của rừng lá nhiệt đới.
(Theo PLXH)
0 Comments