Khu vực Bắc Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 2. Rõ ràng, đây là cơ hội tốt để teen kiểm chứng cách dự báo thời tiết của dân gian.
>>
Những trận mưa kỳ lạ
>>
Những kỉ lục "vô đối" của tự nhiên
>>
8 hiện tượng thiên nhiên hiếm thấy
Theo dự báo, bắt đầu từ chiều 23/6, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ sáng 24-6, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Tại Hà Nội lượng mưa dự báo từ 28mm đến 92mm, thậm chí có thể đạt trên 120mm. Lượng mưa này có thể khiến thủ đô bị ngập lụt cục bộ vào sáng 24-6. Thế nên teen chú ý đi đâu mang áo mưa nhé, mà tốt nhất không có việc gì thì đừng ra ngoài! |
Cách dự báo thời tiết của dân gian
“Đông Nam có chớp chéo nhau
Thấp sát mặt biển hôm sau bão về”
Chớp xa xuất hiện liên tục, đều đặn, gây nhiễu âm, cản trở hoạt động của máy thu thanh. Hướng có chớp sáng nhất là hướng đang có bão hoạt động. Đối với vùng ven biển nước ta, trước khi bão tới thường xuất hiện chớp ở hướng Đông - Nam. Kinh nghiệm này đã được đúc kết thành ca dao nói trên.
Một kinh nghiệm khác của những người đi biển, hoặc trong cả thành phố: Bầu trời quang đãng, không khí oi bức, ngột ngạt, lặng gió kéo dài vài ba ngày, sau đó xuất hiện mây ti tích (một loại mây tầng cao ở độ cao khoảng 7km trở lên, gồm các đám, màn hoặc lớp mây mỏng không có bóng, cấu thành từ những phần tử rất nhỏ có hình dạng trông như những hạt hay nếp nhăn) hội tụ về một hướng chân trời. Đây là dấu hiệu cho thấy bão hoặc mưa lớn có thể đang di chuyển từ hướng đó tới.
Giải thích về mặt khoa học, mưa lớn thường xảy ra khi xuất hiện 2 điều kiện. Một là nhiệt độ mặt đất cao, hai là không khí phải có độ ẩm cao. Không khí đã nóng lại ẩm, khiến cho nước ở bề mặt trái đất không thể bốc hơi được. Mồ hôi trên cơ thể người cũng khó khô đi. Khi ấy ta cảm thấy oi bức ngột ngạt khó chịu. Tuy nhiên, không phải lúc nào ta thấy oi bức là chuẩn bị có mưa bão đâu nhé.
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”
Đây là kinh nghiệm đúc kết của ông cha ta dựa vào quan sát từ năm này qua năm khác. Nhưng sau này chúng lại được giải thích hết sức khoa học. Về mặt vật lý, cánh chuồn chuồn được cấu tạo rất mỏng, còn khi trời sắp mưa độ ẩm trong không khí là rất cao. Chính vì vậy, hơi nước ngưng tụ thành những hạt li ti, đậu trên cánh của chuồn chuồn khiến chúng không thể bay cao được. Ngoài ra, tập tính sinh sản của chuồn chuồn cũng có thể dùng để giải thích hiện tượng này. Chuồn chuồn thường đẻ trứng vào mùa mưa và đẻ trên mặt nước. Chính vì vậy, ta thường thấy chúng lượn lờ trên mặt nước mỗi khi mưa sắp đến.
Quan sát chuồn chuồn cũng là cách rất tốt để biết trời có sắp mưa hay không
Khi thấy dấu hiệu của mưa bão sắp đến, các teen cũng đừng lo vì dựa vào một vài đặc điểm, chúng ta cũng có thể biết được liệu khoảng bao giờ thì mưa bão đến.
“Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy,
Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi”.
Do Việt Nam nằm trọn trong vùng nhiệt đới đồng thời nằm ở rìa phía Đông Nam của phần châu Á lục địa, giáp với biển Đông nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của kiểu khí hậu gió mùa mậu dịch, thường thổi ở các vùng vĩ độ thấp. Gió mậu dịch thường xuất hiện vào mùa hè (mùa mưa bão), thổi về hướng Đông ở tầng có độ cao trên 2 cây số phía trên xích đạo. Tuy nhiên, mây dông thường ở trên cao hơn nữa và đó là khu vực hoạt động của gió mậu dịch ngược, tức là thổi về hướng Tây (đây là hệ quả của sự tuân thủ theo định luật bảo toàn động lượng trong chuyển động quay). Chính vì vậy, khi xuất hiện mây đen từ phía Đông (mây sẽ bị thổi đến chỗ mình đứng) nên đương nhiên phải chạy thôi nếu không muốn ướt hết người.
Nếu mây mưa xuất hiện ở đằng Đông thì mới phải lo bạn nhé
Bên cạnh đó, còn loại gió Tây Nam (gió Phơn hay còn gọi là gió lào) hoạt động mạnh vào mùa Hè. Đương nhiên, gió thổi mây bay về hướng Nam thì ta chẳng phải lo gì dính mưa vì đám mây mưa sẽ di chuyển ngày càng xa.
“Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa.
Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa.
Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống.”
“Ráng” là đám mây phản chiếu ánh mặt trời về buổi sáng hay buổi chiều. Thông thường, trước khi bão, bầu trời quang đãng, trong xanh và nắng nóng, oi bức ngột ngạt, sau đó có xuất hiện mây "ti" (thường xuất hiện khi tâm bão còn cách xa 1.000km). Mây ti ở rìa bão thường xuất hiện từng chùm, sợi trắng như lông tơ hoặc như đuôi ngựa, hình chữ V, hoặc như một dải lụa mỏng, thường có mầu vàng mỡ gà.
Ráng mỡ gà thế này là sắp bão
Ngoài ra còn rất nhiều kinh nghiệm, teen nhà mình hãy thử kiểm chứng trong mùa mưa bão này nhé.
"Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa"
"Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang,
Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút"
"Mống đông vồng tây, chẳng mưa dây cũng bão giật"
"Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa"
"Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão"
"Én bay thấp mưa ngập cầu ao,
Én bay cao mưa rào lại tạnh"
"Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm"
"Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước"...
(Theo PLXH)
0 Comments