Một xác ướp còn nguyên vẹn cách đây hơn trăm năm đang được lưu trữ và trưng bày ở bảo tàng lịch sử Việt Nam tại TP. HCM, khiến không ít du khách đến tham quan tò mò.
>>
Triển lãm xác ướp lưu động lớn nhất thế giới
>>
“Lật tẩy” các bí ẩn của nhân loại
>>
Những tập tục mai táng kỳ lạ nhất trên thế giới
Hơn 17 năm trước, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ song táng (gồm hai quan tài) tại xóm Củi thuộc phường 8, Q. 5, TP. HCM. Ngôi mộ được xây rất vững chắc bằng một số vật liệu như vôi sống giã nhỏ từ san hô, cát, mật đường mía, than hoạt tính… Khi khai quật ngôi mộ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc quan tài gỗ dài 2,2m, cao 50cm, bên trong còn nguyên vẹn xác một người phụ nữ khoảng 60 tuổi, cao 1,52m bó nhiều lớp vải nằm trong dung dịch màu nâu đỏ. Còn quan tài khác là một người nam nhưng không còn nguyên vẹn, chỉ còn một ít xương và các đồ tùy táng.
Bảo tàng lịch sử Việt Nam nơi đang lưu giữ và trưng bày xác ướp còn nguyên vẹn trên một trăm năm.
Nhờ được phủ một lớp sơn tốt giống như hắc ín bên ngoài quan tài nên nước bên ngoài không thể ngấm vào được áo quan và ngược lại nước bên trong cũng không thể nào thoát ra ngoài được. Điều này đã giữ cho xác ướp bằng những dược liệu nằm bên trong quan tài còn nguyên vẹn. Khi mở nắp quan tài, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một lá triệu bằng lụa ghi lại tiểu sử và lai lịch của xác ướp. Những dòng chữ này do bị phai mờ theo thời gian nên không thể đọc được nhiều. Tuy chỉ có thể đọc vài chữ nhưng các nhà khảo cổ vẫn xác định được thân phận, tên tuổi của người đã khuất. Xác ướp là của bà Trần Thị Hiệu, một nữ quý tộc dưới thời nhà Nguyễn, bà mất khi được khoảng 60 tuổi.
Xác ướp bà Trần Thị Hiệu nay được đặt trong tủ kính và bện cạnh là chiếc quan tài bằng gỗ tại bảo tàng.
Hai chân bà nằm trong bọc vẫn còn nguyên vẹn, các ngón chân không hề bị rã rời. Toàn bộ cơ thể của xác ướp này hầu như còn nguyên vẹn. Bên cạnh xác ướp còn có các đồ tùy táng được chôn cùng như vòng chuỗi, nhẫn đeo tay, vải lụa và một lớp vải lụa gấm quấn quanh xác… Từ đó, các nhà khảo cổ xác định bà là một người thuộc tầng lớp giàu có dưới thời nhà Nguyễn.
Hai tay của xác ướp đeo nhiều vòng kim loại quý. Một đôi hài khác có đế làm bằng loại da mịn, thân bằng một loại vải dày tốt giống như loại bố tơ tằm. Trên mỗi đôi hài trang trí hoa văn có hình bông cúc dây bằng vàng với những sợi chỉ vàng may bện thêm vào. Trên cổ của xác ướp còn đeo một chuỗi hạt bồ đề , chứng tỏ bà là một tín đồ Phật tử. Căn cứ vào hình thức chôn cất cộng với sự nguy nga của lăng mộ và các đồ tùy táng được chôn cùng, các nhà nghiên cứu lịch sử xác định xác ướp người phụ nữ này là một quý tộc dưới triều Nguyễn, mất vào khoảng năm 1868.
Hầu như các bộ phận bên ngoài cơ thể của xác ướp đều còn nguyên vẹn.
Sau khi khai quật xong xác ướp được đưa về tại bệnh viện Đại học Y dược nghiên cứu. Sau đó xác ướp được chuyển đến bảo tàng lịch sử Việt Nam tại để lưu giữ và trưng bày.
Để giữ gìn xác ướp lâu dài, bảo tàng lịch sử Việt Nam đã phối hợp với cơ quan ngành y dược đến để kiểm tra và tiến hành các biện pháp y học bảo quản xác ướp theo định kỳ. Hiện nay, bảo tàng lịch sử Việt Nam đã dành riêng một phòng để trưng bày tất cả tư liệu và hiện vật liên quan đến ngôi mộ cổ và xác ướp này bao gồm những hình ảnh trong quá trình khai quật của các nhà khảo cổ, những hiện vật được tìm thấy bên trong ngôi mộ và cùng với xác ướp.
Tại phòng này hiện có 19 hiện vật gốc được trưng bày: đồ tùy táng trong quan tài người đàn ông gồm 7 nhẫn vàng, 1 hộp đựng vôi bằng bạc, 1 ống ngoáy trầu, 1 cây lược bằng sừng, đồ tùy táng trong quan tài người đàn bà gồm 2 vòng đeo tay bằng vàng, 1 xâu chuỗi hạt bồ đề, 1 đôi hài bằng vải thêu sợi vàng). Đặc biệt, tại đây còn trưng bày 2 chai nước dung dịch, 1 chai lấy trong quan tài ông và 1 chai lấy trong quan tài bà. Thi hài bà được đặt trong tủ kính với đồ khâm liệm gồm nhiều lớp áo lụa và gấm, một đôi hài bằng vải thêu sợi vàng. Quan tài và quách bằng gỗ được đặt 2 bên tủ.
Xác ướp luôn được kiểm tra, bảo quản định kỳ để giữ được lâu dài bởi các chuyên gia y học.
Bảo tàng lịch sử Việt Nam tọa lạc tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Q.1 hiện đang lưu giữ hơn 30.000 tư liệu, hiện vật quý của lịch sử Việt Nam từ thời khai sinh đến thời kỳ Đảng cộng sản Việt Nam ra đời 1930, được chia thành nhiều phòng và giai đoạn khác nhau: phòng trưng thời Ngô - Đinh –Tiền Lê – Lý, phòng trưng bày cổ vật thời Tây Sơn, phòng cổ vật Vương Hồng Sển, hay phòng trưng bày áo vua, áo hoàng hậu thời Nguyễn.
Bên cạnh đó bảo tàng còn trưng bày nhiều chuyên đề liên quan đến nhiều nền văn hóa đặc trưng của phía Nam: nền văn hoá Óc Eo, văn hoá cổ đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa nghệ thuật Chămpa, Bến Nghé Sài Gòn, các dân tộc Việt Nam...
(Theo VnMedia)
0 Comments