Cùng làm một vòng dạo quanh những nơi được xác nhận là “nhất quả đất” nào!
>>
8 hiện tượng thiên nhiên hiếm thấy
Nơi mưa nhiều nhất
Tỉnh Choco của Colombia, nơi sát biên giới Panama được công nhận là nơi ẩm ướt nhất trên thế giới. Trung bình, thị trấn Tutunendo ở đây có lượng mưa hàng năm tới 13.300 mm và thời gian mưa chủ yếu là vào ban đêm.
Đỉnh Wai-'ale'ale trên đảo Kauai, Hawaii thì là nơi có số ngày mưa nhiều nhất trong năm, mỗi năm có đến 350 ngày trời mưa “sụt sùi”.
Nơi tuyết rơi nhiều nhất
Những trận bão tuyết rơi lớn nhất phần lớn xảy ra ở những đỉnh núi cao. Như ở ngọn núi Ibuki, Nhật Bản, người ta đo được chiều cao của lớp tuyết rơi hàng năm tại đây lên tới 11.82 m. Tuy nhiên kỉ lục cao nhất lại thuộc về dãy núi Cascade thuộc Tây Bắc Mỹ.
Vào mùa đông năm 1971-1972, ngọn núi Rainier của bang Washington đã lập kỉ lục với độ cao tuyết rơi là 28,5 m. Nó tự phá kỉ lục của chính mình vào năm 1998-1999 với độ cao 28.96 m được ghi nhận.
Trong khi những đợt tuyết rơi trên núi cao hiếm khi gây bất tiện cho ai trừ những người trượt tuyết thì tại những khu đô thị, nó có thể làm tê liệt hoạt động trong thành phố nhiều ngày liền đôi khi là vài tuần.
Nơi khô hạn nhất
Sa mạc Atacama tại Chile được ghi nhận là không có một trận mưa rơi dù là nhỏ nhất trong suốt gần 15 năm từ tháng 10/1903 đến tháng 1/1918, đạt kỉ lục nơi có quãng thời gian không có mưa dài nhất trên thế giới.
Kỉ lục về đợt nắng nóng gây khô hạn kéo dài lâu nhất là tại thị trấn Bagdad, California với 767 ngày liên tục từ ngày 3/10/1912 đến 8/11/1914. Và đến năm 1991, nơi đây đã thành một thị trấn ma do người dân đã bỏ đi định cư nơi khác do sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây.
Nơi gió thổi mạnh nhất
Vịnh Commonwealth ở Nam Cực được chính thức liệt kê trong Sách kỷ lục Guinness và Bản đồ địa lý quốc gia như là nơi gió nhất trên trái đất. Gió tại đây thổi liên tục, dữ dội với vận tốc lên tới 240 km/h.
Vào năm 1912, nhà thám hiểm người Úc Douglas Mawson đã đặt trụ sở của đoàn thám hiểm Nam Cực Úc tại Mũi Denison, ngay gần vịnh Commonwealth. Có lẽ ông làm được điều này vào những ngày hiếm hoi mà tại đây không có gió nếu không họa có điên mới “đâm đầu vào chốn này”.
Một trong những điểm gió thổi khủng khiếp nhất ở Bắc bán cầu là mũi Blanco ở Tây Nam Oregon, Mỹ. Những cơn bão tuyết mùa đông thường quét qua mũi Blanco với những cơn gió lốc với vận tốc lên tới là 200 km/h.
Nơi bằng phẳng nhất
Salar de Uyuni tại Bolivia có nguồn gốc là một cái hồ vào thời tiền sử sau đó bị khô hạn, biến nơi đây thành một hồ muối dày vài mét và rộng hơn 10.582 km2.
Thường khô hạn và thiếu sức sống, nhìn ngút tầm mắt chỉ thấy một màu trắng xóa của muối thì vào tháng Mười hàng năm khi những cơn mưa mùa hè thu hút các đàn chim hồng hạc kéo đến đây làm nơi này bỗng trở nên sống động, đầy sức sống.
Vào thời điểm này, hồ Salar càng trở nên phẳng hơn, nhìn từ trên cao xuống giống như một tấm gương khổng lồ in bóng trời xanh.
Hang động sâu nhất
Nằm tại nước Cộng hòa Abkhazia, hang Voronya ( trong tiếng Nga nghĩa là Hang quạ) có độ sâu tới 2.191 m, nằm sâu trong núi đá vôi Arabika nơi có niên đại từ thời Khủng long. Cũng được biết đến với cái tên Krubera, hang này được phát hiện vào năm 1960 và đã vượt qua hang Lamprechtsofen của Áo để trở thành hang động sâu nhất thế giới và cũng là hang động duy nhất được biết sâu hơn 2.000 m.
Bắt đầu từ những năm 1980, Hiệp hội hang động học của Ukraina đã tiến hành dọn dẹp các chướng ngại vật cũng như mở rộng các điểm hẹp để các nhà thám hiểm có thể thâm nhập sâu hơn vào những hang chưa được khám phá. Kỉ lục hiện nay (2.191 m) được lập vào mùa thu năm 2007 nhưng với những cuộc thám hiểm hàng năm được tổ chức tại hang động này thì con số đó có lẽ chỉ là tạm thời.
Vùng đất xa xôi nhất
“Cực bất khả tiếp cận” ( pole of inaccessibility) là cụm từ để chỉ những điểm nằm trên một lục địa mà có khoảng cách xa nhất từ các đại dương theo bất kì hướng nào. Có khá nhiều điểm như vậy nhưng đa phần đều nằm ở những vùng đất hoang lạnh lẽo tại Nam Cực.
Vào năm 1958, Liên Xô đã thiết lập một căn cứ tại một “cực bất khả tiếp cận” trên Nam Cực và sau đó họ nhanh chóng bỏ rơi nó. Trước khi rời đi, đội Liên Xô còn đặt một bức tượng của Lênin tại đây để ghi dấu rằng Liên Xô đã đặt chân đến nơi đây.
Bên dưới bức tượng bán thân này là một túp lều nhỏ có để một cuốn sổ dành cho những vị khách ghé thăm nơi này ghi tên mình vào đó. Tuy nhiên, hầu như căn lều này cả năm bị ngập trong tuyết và cũng không có nhiều người khách vô tình đến nơi này cho lắm.
Đảo hẻo lánh nhất
Trước đây thì kỉ lục này thuộc về đảo Tristan da Cunha, nằm xa về phía Nam Đại Tây Dương thì nay con người đã có những phát hiện mới. Đó là đảo Bouvet, một hòn đảo nhỏ cũng ở Nam Đại Tây Dương, thuộc chủ quyền của Na Uy. Nó cách đất liền và các đảo khác từ 1.500 đến 2.000 km theo các hướng.
Hòn đảo này có đến 93% diện tích bị bao phủ bởi băng, với vỏn vẹn chỉ còn khoảng 49 km2 đất, không có thực vật sống trừ rêu và địa y
(Theo PLTP)
0 Comments