Đó là những "siêu" công trình đã đặt nền móng cho quá trình tiến bộ khoa học kỹ thuật của loài người.
>>
Những ý tưởng về thành phố tương lai
>>
Những kiểu kiến trúc lạ đời nhất thế giới
Dự án Delta ở Hà Lan
Đê biển ở Hà Lan vẫn đứng vững bất chấp sóng to gió lớn.
Khi một phần tư diện tích và hơn một nửa dân số đất nước bạn nằm phía dưới mực nước biển, chắc chắn bạn sẽ phải tìm cách chống lại các trận lụt. Người Hà Lan đã tìm cách đắp đê ngăn biển từ cả ngàn năm nay nhưng thiên nhiên vẫn đưa tới các mối đe dọa ngày càng trầm trọng hơn.
Vì thế, 60 năm trước, người Hà Lan quyết tâm làm cái gì đó thật hoành tráng. Họ xây một loạt đê, đập và bãi chắn ngăn bão, từ đó tạo thành hệ thống kiểm soát lũ lụt lớn nhất thế giới. Hơn 16.000km đê, 13 con đập đã bảo vệ đất nước Hà Lan trước mối đe dọa của thủy thần.
Đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng
Dù tuyến đường sắt này gặp nhiều chỉ trích về chính trị và văn hóa nhưng không ai có thể tước đi danh hiệu tuyến đường sắt cao nhất thế giới của nó. Điểm cao nhất của tuyến đường này lên tới mức 5.072m, vượt hơn kỷ lục cũ của tuyến đường sắt chạy trên dãy núi Andes ở Peru hơn 200m.
Đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng chạy qua những vùng đất đóng băng và không ổn định. Người ta đã nghĩ ra các biện pháp rất kỳ công để có thể đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu như thiết kế các ống dẫn khí lạnh để khiến nền đường đóng băng một cách ổn định hay đóng các cọc sâu xuống tầng đất phía dưới để giữ chắc đường ray.
Các toa tàu cũng là những kỳ công thực sự khi chúng không khác gì các khoang máy bay để giúp hành khách không bị ảnh hưởng bởi độ cao và nhiệt độ. Dưỡng khí cũng được cung cấp tự động khi tàu đi qua các vùng không khí quá loãng.
Đường hầm eo biển Manche
Nước Anh và nước Pháp nằm rất gần nhau, chúng chỉ bị chia cắt bởi một eo biển hẹp mang tên Manche (tên tiếng Anh là English Channel). Vì thế, ý tưởng nối liền 2 đất nước qua vùng biển này đã nảy sinh từ rất lâu.
Ngay từ thế kỷ 19, các ý kiến đầu tiên về việc đào một đường hầm bên dưới eo biển Manche đã được đề ra. Tuy nhiên, phải tới năm 1988, người ta mới bắt đầu công việc đào bới đó. Hai nước Anh và Pháp đã huy động nhân công, sử dụng 11 máy đào hầm cỡ lớn để hoàn thành đường hầm dài khoảng 50km này trong vòng 6 năm. Đường hầm nằm ở độ sâu 75m so với mực nước biển và đoạn nằm dưới đáy biển của nó dài tới 38km, một kỷ lục thế giới.
Đường hầm màu đỏ chạy giữa nhiều tầng đất đá phức tạp.
Ngày nay, các đoàn tàu cao tốc vẫn ngày ngày phóng qua đường hầm. Người ta đã phải đóng, mở van lớn trên các toa tàu để làm giảm áp lực không khí khi con tàu đẩy từng khối khí lớn trong đường hầm. Sự kỳ diệu của đường hầm eo biển Manche nằm ở chỗ nó khiến cho hành khách không cảm thấy khác biệt gì so với khi di chuyển trên đất liền. Tất cả đều an toàn tuyệt đối.
Máy gia tốc hạt lớn
Mọi công trình đều có sai số. Nhưng khi mục đích của bạn là cho một vài chùm hạt lao vào nhau thì sai số đó phải cực kỳ, cực kỳ nhỏ. Đó chính là công dụng của máy gia tốc hạt lớn.
Nó nằm trong một đường hầm hình tròn dài 27km ở độ sâu 175m tại vùng biên giới Pháp – Thụy Sĩ. Bằng việc nghe có vẻ vô bổ là cho các chùm hạt lao vào nhau ở vận tốc siêu cao, nó tái tạo lại những gì xảy ra ngay sau vụ nổ Big Bang và giúp con người hiểu hơn về nguồn gốc cũng như sự tiến hóa của vũ trụ.
Bên trong đường hầm của máy gia tốc hạt lớn.
Để làm việc đó, người ta phải sử dụng 1.600 nam châm điện siêu dẫn. Chúng giúp bẻ hướng và tăng tốc cho các chùm hạt lên tới mức 99,99% vận tốc ánh sáng trước khi lao vào nhau. Các nam châm siêu dẫn này cũng phải được làm lạnh tới nhiệt độ kinh khủng là 271 độ âm, một chuyện cực kỳ mất công và đòi hỏi một lượng lớn khí heli lỏng. Vì thế, có thể ví máy gia tốc hạt lớn là cái “tủ lạnh” to nhất thế giới.
Nhiều người vẫn e ngại cỗ máy này sẽ tạo ra lỗ đen nuốt chửng Trái đất, tuy nhiên đó chỉ là chuyện lo xa mà thôi
Cầu cạn Millau
Khi nói tới những tác phẩm đẹp đẽ, chúng ta phải nghĩ ngay tới người Pháp. Cây cầu này vẽ nên một đường cong hoàn hảo tại khu vực sông Tarn và thung lũng ở miền Nam nước Pháp. Với chiều dài 2,5km, nó là cầu dây văng dài nhất trên thế giới và một trong các cột của nó vươn tới độ cao ấn tượng 343m, đạt kỷ lục cây cầu cao nhất.
Cầu được hoàn thành vào năm 2004 và tốn kém tới 400 triệu Euro. Đây là minh chứng điển hình cho việc con người có thể tạo ra những công trình khổng lồ mà vẫn giữ được vẻ thanh nhã.
Tháp Khalifa, niềm tự hào Dubai
Khổng lồ và vĩ đại, đó là những gì có thể nói về tòa tháp này. Chỉ riêng những con số của nó cũng thừa sức đè bẹp bất cứ đối thủ cạnh tranh nào.
Nó cao tới 828m, là công trình nhân tạo vươn cao nhất từ trước tới nay và chi phí xây dựng lên tới 1,5 tỉ USD. Trên tòa tháp này có hàng loạt thứ được gắn mác kỷ lục như thang máy nhanh nhất thế giới, giáo đường cao nhất thế giới, bể bơi và hộp đêm cao nhất thế giới.
Ban đầu, tòa tháp này “chỉ” được thiết kế cao trên 500m nhưng sau đó, người ta đã sửa đổi nhiều lần và biến nó thành một "quái vật" không trung. 22 triệu giờ lao động đã được bỏ ra để tạo nên một kỳ quan của sa mạc.
Kênh đào Panama
Đừng để chữ “kênh” làm bạn nghĩ về một dòng nước hiền hòa và nhỏ bé. Trên thực tế, con kênh này là một dự án vĩ đại nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, qua đó giúp rút ngắn quãng đường di chuyển của tàu biển rất nhiều. Ví dụ, tàu thủy đi từ New York tới San Francisco sẽ chỉ mất quãng đường 9.500km thay vì 22.500km nếu đi vòng qua cực Nam châu Mỹ như trước đây.
Kênh đào Panama hoàn thành vào năm 1914 sau 10 năm đào bới. Hơn 40.000 công nhân đã chăm chỉ chuyển đi một lượng đất đá khổng lồ để tạo nên con kênh dài 77km này. Các con tàu di chuyển vào một đầu kênh, sau đó tiến vào một hồ nhân tạo. Hồ này có thể thay đổi mực nước tùy theo độ lớn của con tàu và sau đó, tàu tiếp tục hành trình qua đại dương thứ 2 một cách nhẹ nhàng.
Đập Hoover
Các công trình thủy điện luôn gây ấn tượng bởi vẻ kỳ vĩ của các con đập, tuy nhiên đập Hoover vẫn chiếm một vị trí đặc biệt. Nó thay đổi cách thức mà con người tạo ra các công trình sau này khi kết hợp giữa 2 kiểu xây đập truyền thống trước đó, giúp kiểm soát lượng nước lớn hơn trong khi không tốn quá nhiều nguyên liệu xây dựng.
Đập được xây từ những năm 30 của thế kỷ trước và cho tới nay vẫn giúp kiểm soát lũ lụt cũng như tạo ra điện năng trên lưu vực sông Colorado. Đã có hơn 100 công nhân bỏ mạng trong quá trình xây dựng kéo dài 5 năm, điều này nói lên độ gian khó của dự án này.
Vạn lý trường thành
Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng “bức tường” này thì có gì khó xây đâu nhỉ. Nó chỉ là một bức tường thôi mà. Tuy nhiên, khi nhìn vào các con số, chắc chắn bạn sẽ có ý nghĩ khác. Vạn lý trường thành dài tới hơn 6.000km và thực chất bao gồm rất nhiều đoạn tường thành nhỏ được xây dựng, ghép, phá hủy cũng như xây lại trong khoảng 2.000 năm. Nó là dự án xây dựng được tiến hành lâu nhất trong lịch sử.
Kim tự tháp
Bạn băn khoăn liệu Kim tự tháp có phải được người ngoài hành tinh xây nên không? Có lẽ là không, những người xây dựng lên nó chỉ là những người dân và nô lệ Ai Cập cổ đại rất chăm chỉ mà thôi. Trong cái nóng khắc nghiệt của sa mạc hơn 4.000 năm trước, họ đã xây nên những ngôi mộ khổng lồ cho các Pharaoh và chúng đững vững cho tới ngày nay.
Người Ai Cập cổ đã dùng nhiều cách thông minh để hoàn thành công trình. Các tảng đá lớn được vận chuyển lên cao bằng mặt phẳng nghiêng hay dùng các con lăn bằng gỗ. Chúng cũng được mài nhẵn để giảm ma sát và dễ dàng ghép với nhau hơn. Kim tự tháp là cảm hứng cho rất nhiều công trình hiện đại, trong đó nổi tiếng nhất là lối vào bằng kính của bảo tàng Louvre ở Paris.
Bảo tàng Louvre, "bản sao" hiện đại của kim tự tháp
(Theo PLTP)
0 Comments