Chúng ta càng tin tưởng vào công nghệ thì những tin tặc càng có nhiều cơ hội “lộng quyền”. Cho dù mục đích của họ là giúp đỡ hay làm hại chúng ta, thì tin tặc sở hữu một sức mạnh có thể thay đổi thế giới này.
>>
Siêu hacker người Anh hát về những cảm xúc bị đè nén
Hacker – tin tặc là người có thể viết hay chỉnh sửa phần mềm, phần cứng máy tính bao gồm lập trình, quản trị và bảo mật. Những người này hiểu rõ hoạt động của hệ thống máy tính, mạng máy tính và dùng kiến thức bản thân để làm thay đổi, chỉnh sửa nó với nhiều mục đích khác nhau. (theo wikipedia)
Dưới đây là 10 cái tên nổi bật trong đại gia đình “hackers” của thế giới.
Bộ đôi lừa đảo
Năm 2002, một loạt các tài liệu cao cấp của hệ thống các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ như U.S Navy, NASA (Cục Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia), FAA (Cơ quan hàng không liên bang) và Bộ quốc phòng đã bị “tấn công”. Bộ đôi lừa đảo, gồm hai thành viên là Benjamin Stark (20 tuổi) và Robert Lyttle (18 tuổi), đã đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ việc này.
Cũng giống như những tin tặc khác, bộ đôi lừa đảo chỉ muốn chứng minh những thất bại trong hệ thống an ninh và bảo vệ người Mỹ bằng đường dây nóng 911. Hai tin tặc đã gửi tin nhắn, để lại địa chỉ thư điện tử và xóa các website để hi vọng nhận được sự chú ý của chính phủ. Và họ đã thành công.
Lyttle và Stark đã thú tội vào năm 2005. Stark bị kết án hai năm quản chế, còn Lyttle nhận án tù 4 tháng và quản chế ba năm. Đồng thời, hai tin tặc này phải trả hàng chục ngàn đô la để bồi thường những thiệt hại do họ gây ra.
Jonathan James (Biệt danh: c0mrade)
Trong danh sách các hệ thống máy tính cần phải được bảo mật tối đa chắc chắn có hệ thống của Bộ Quốc phòng. Và điều đó càng khiến việc Jonathan James (biệt danh là c0mrade) đột nhập vào máy chủ của Cục Giảm thiểu các mối đe dọa quốc phòng trở nên ấn tượng hơn.
Những cuộc xâm nhập của James trong năm 1999 không chỉ dừng lại ở Bộ quốc phòng, mà còn cả NASA. Sau đó, cậu thanh niên 16 tuổi này còn lợi dụng việc xâm nhập này để ăn cắp phần mềm, tuy không phải là bí mật quốc phòng, nhưng James vẫn có được một số phần mềm vô cùng quan trọng như phần mềm để kiểm soát môi trường sống tại Trạm vũ trụ quốc tế.
Vì những sai trái của mình, cậu đã nhận mức án sáu tháng tù và buộc phải cam kết không được sử dụng máy tính nữa.
Dmitri Galushkevich
Vào tháng 5/2007, rất nhiều nơi trên đất nước Estonia đột nhiên bị tắc nghẽn mạng. Một số người Liên Xô cũ rất am hiểu về công nghệ đã nghĩ rằng họ biết thủ phạm là ai. Họ đổ lỗi cho Chính phủ Nga. Cần phải chú ý rằng, trong vào thời gian này xảy ra xung đột giữa hai quốc gia này về việc dỡ bỏ tượng đài có từ thời Xô Viết. Sự cố mạng đã làm quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Các tin tặc đã thừa nhận việc tấn công các máy tính, sử dụng đồng loạt chúng và làm quá tải các máy chủ trong cả đất nước. Máy rút tiền tự động không hoạt động, các trang web không thể tải được, và hệ thống máy móc chính phủ bị tắt hoàn toàn.
Phải mất tới vài tuần thì các nhà chức trách Estonia mới gỡ được đống lộn xộn này và thậm chí còn tìm ra thủ phạm là Dmitri Galushkevich, một cậu bé Nga 20 tuổi sống tại Estonia. Việc cậu bé này đã thực hiện một mình hay là có tòng phạm thì chưa được xác minh rõ ràng, nhưng ít nhất thì cậu ta đã phải nhận mức phạt là 1.620 đô la.
Kevin Poulsen (Dark Dante)
Nếu như vào những năm 80, Kevin Poulsen chỉ là một tin tặc bình thường, làm mọi thứ vì vật chất, thì ngày nay ông đã trở thành một nhà biên tập am hiểu công nghệ của tạp chí Wired.
Poulsen đã gây dựng một vài tiếng tăm với những trò tinh quái trí tuệ của ông trên cuộc thi của đài phát thanh tại LosAngeles. Lúc đó, ông đã gian lận cài đặt chiếc điện thoại chỉ cho phép một mình ông gọi đến và giành phần thắng là một chuyến du lịch Hawaii cùng với chiếc xe Porsche.
Poulsen còn nối tiếng với những cuộc thâm nhập trái phép vào cơ sở dữ liệu của cục điều tra liên bang FBI. Cuối cùng ông bị “tóm” vào năm 1991 và nhận mức tù 5 năm.
Kể từ sau đó, ông như “cải tả quy chính”, trở thành tổng biên tập của tạp chí Wired và sử dụng tài năng của mình vào những mục đích đúng đắn như theo dõi tội phạm tình dục trên MySpace.
John Draper
John Draper được coi như bậc tiền bối của các tin tặc. Quay lại những năm đầu của thập niên 70, ông là vua của “phone-phreaking” (tạm dịch là “việc lừa bịp qua điện thoại”). Vào thời đó, Internet còn chưa xuất hiện, và cũng chẳng có máy tính cá nhân như ngày này, khi đó hệ thống điện thoại là thứ máy móc hấp dẫn để Draper “chọc ngoáy”. Và ông đã làm rất tốt.
Bước đột phá mà Draper tạo ra khi ông và một người bạn đã nhận thấy một chiếc còi đồ chơi, một món đồ hạ giá trong xuất ăn sáng ngũ cốc, đã phát ra những tần số tương tự các âm thanh của mạng điện thoại AT&T chuyển sang đường dây điện thoại. Từ phát hiện đó, Draper đã tự tạo cho mình một dịch vụ có tên là “blue boxes” (hộp xanh) để có thể có những cuộc gọi đường dài miễn phí!
Những điều này đã mang lại gì cho ông? Thứ nhất đó là một khoảng thời gian phải ngồi bóc lịch trong nhà tù. Nhưng đáng chú ý hơn là việc Steve Wozniak, người đồng sáng lập ra hãng máy tính nổi tiếng Apple, đã bắt đầu chú ý đến ông. Từ đó, Draper bắt đầu viết một chương trình máy tính xử lý văn bản đầu tiên, có tên là “EasyWriter”, nhưng trọng tâm chú ý đến các con số và độ an toàn của văn bản.
Raphael Gray (Curador)
Raphael Gray tự gọi mình là một vị thánh và biện minh rằng anh ta đang cố gắng giúp hệ thống thương mại điện tử bằng việc đột nhập vào cơ sở dữ liệu để ăn cắp số thẻ tín dụng cũng như thông tin cá nhân của khoảng 26 nghìn khách hàng Mỹ, Anh và Canada trong năm 2000.
Chàng thanh niên 18 tuổi xứ Wales này khẳng định rằng anh chỉ cố gắng thu hút sự chú ý của một hệ thống an ninh trực tuyến lỏng lẻo. Nhưng một câu hỏi đặt ra là nếu anh muốn “giúp đỡ” thì tại sao anh lại tung những số thẻ tín dụng lên mạng.
Gray đã bị kết án vào năm 2001 và phải điều trị tâm thần trong ba năm.
Gary McKinnon
Sinh ra ở Scotland, tin tặc có tên là McKinnon sống tại London đã tiến hành rất nhiều cuộc đột nhập vào máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội, hải quân, không quân và NASA trong hai năm 2001 và 2002. Người đàn ông này đã lấy được một số tài liệu quan trọng như bằng chứng về con tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh tiết kiệm nhiên liệu.
MCKinnon tin rằng chính phủ Mỹ đang che giấu công nghệ của người ngoài hành tinh có thể giải quyết vấn đề của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vào thời điểm đó. Trong quá trình rình mò của mình, tin tặc này thừa nhận đã xóa toàn bộ tập tin khác nữa và có thể là cả một vài ổ đĩa cứng khi đang cố gắng xóa dấu vết đột nhập. Và anh ta khẳng định những gì đã xóa không phải là dữ liệu quan trọng.
Chính phủ Hoa Kỳ đã buộc McKinnon phải đền bù 700 nghìn đô la để sửa chữa lại hệ thống. Họ cũng nghi ngờ toàn bộ câu chuyện UFO (đĩa bay) và đặt ra nghi vấn liệu McKinnon còn mục đích gì khác không? Trở lại nước Anh, luật sư của Gary nhấn mạnh rằng Gary đang bị hội chứng Asperger (là những người bị mắc bệnh điên, lập dị, tự kỉ), và xứng đáng nhận được sự xem xét đặc biệt vì tình trạng tâm thần.
Adrian Lamo
Có một thực tế là nhiều công ty thuê các tin tặc một cách hợp pháp để kiểm tra và tìm ra những điểm yếu hệ thống, nhưng một điều chắc chắn không có công ty nào thuê Adrian Lamo.
Năm 2002 và 2003, Lamo đã chọn tấn công những mục tiêu tầm cỡ như Microsoft, Yahoo hay thời báo NewYork Times. Tin tặc này đã đưa thông tin cá nhân của mình vào danh sách của các chuyên gia của những công ty này.
Được biết đến là một tin tặc vô gia cư, Lamo thường ngủ trong các tòa nhà bị bỏ hoang, sử dụng máy tính xách tay để tấn công các hệ thống máy tính trong các quán café và thư viện công cộng. Kỹ thuật Lamo lựa chọn là xâm nhập qua hệ thống cửa mạng, vào trong hệ thống qua các “proxy access” (cổng ủy nhiệm). Và tất cả đã dẫn đến việc anh ta bị bắt giữ vào năm 2003.
Lamo nhận mức án quản chế hai năm. Từ sau đó, anh trở thành một nhà báo có trình độ công nghệ cao.
Kevin Mitnick
Kevin Mitnick bắt đầu thực hiện những hành vi bất hợp pháp khi muốn đi xe bus miễn phí, Mitnick đã làm xáo trộn hệ thống thẻ ở Los Angeles. Tiếp sau đó là một loạt các hành động gian lận điện thoại. Anh ta trở thành tin tặc bị truy nã ráo riết nhất tại Mỹ thời bấy giờ.
Vụ nổi tiếng nhất của Mitnick chính là cuộc thâm nhập Tập đoàn Thiết bị kĩ thuật số - Digital Equipment Corporation nhằm đánh cắp các phần mềm. Đó có thể là phi vụ đáng kể đầu tiên của Mitnick, nhưng cũng chưa nhằm nhò gì vì Mitnick quyết định tiếp tục “công việc” với các mục tiêu lớn hơn, đó là các hãng điện thoại di động nổi tiếng: Nokia, Motorola.
Có thể nói, Kevin Mitnick nhanh chóng “nổi như cồn”, thậm chí việc anh bị bắt nhận được sự quan tâm lớn của công chúng. Năm 1995, với sự hợp tác của tin tặc khác là Tsutomu Shimomura, Mitnick đã bị FBI bắt giữ sau khi cố tình tấn công máy tính nhà Shimomura.
Sau khi mãn hạn 5 năm tù, Kevin Mitnick đã lập một công ty tư vấn an ninh máy tính và trở thành 1 người viết sách, 1 diễn giả.
Robert Tappan Morr
Ngay cả khi bạn gần như không biết một chút gì về virus máy tính thì bạn có lẽ cũng đã từng nghe tới từ "Worms - sâu". Đó là bởi vì sự lây nhiễm ghê gớm, sự phá hoại và lan rộng nhanh chóng của loại chương trình máy tính này đã từng là một chủ đề nóng mang tính thời sự.
Robert Tappan Morris là kẻ phải chịu trách nhiệm cho sự việc này. Năm 1988, khi là một cậu sinh viên đã tốt nghiệp của đại học Cornell, Mỹ, Morris đã tạo ra “con sâu” đầu tiên và “thả” chúng lên mạng internet. Morris lý giải hành động này chỉ là cuộc thử nghiệm đo sự rộng lớn của mạng Internet mới ra đời, chứ không nhằm mục đích gây hại. Thế nhưng, tốc độ nhiễm virus “sâu” quá nhanh, làm chậm các chức năng của máy tính và gần như làm tê liệt hệ thống Internet.
Cuối cùng, Morris đã bị phạt và nhận mức án ba năm quản chế. Kể từ sau đó, ông đã dành được bằng tiến sĩ từ trường đại học Harvard lừng danh, và đã tạo ra hàng triệu những phần mềm thiết kế. Ngày hôm nay, Morris đã trở thành một giáo sự khoa học máy tính tại MIT (Viện công nghệ Massachusetts, một trong những cơ sở đào tạo nổi tiếng nhất thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ)
(Theo PLTP)
0 Comments