Sức mạnh cơ bắp của các phi hành gia sẽ tương đương với những cụ già 80 sau khi sống nửa năm trên Trạm Không gian quốc tế, một nghiên cứu cho thấy.>>
10 lý do nghi người Mỹ chưa từng lên mặt trăng>>
Stephen Hawking: 200 năm nữa Trái đất sẽ diệt vong!
Nhà du hành càng có nhiều cơ bắp chân thì tốc độ teo cơ càng lớn.AP đưa tin Robert Fitts, nhà sinh học của Đại học Marquette, Mỹ cùng các đồng nghiệp tìm hiểu các vấn đề về thể chất mà các phi hành gia có thể gặp khi Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng tàu lên sao Hỏa trong tương lai. NASA tài trợ tiền cho nghiên cứu của họ.
Nhóm của Fitts nghiên cứu những mẫu sinh thiết cơ bắp chân của 9 nhà du hành Mỹ và Nga từng làm việc trên Trạm Không gian quốc tế (ISS) từ năm 2002 tới năm 2005. Các nhà du hành được lấy sinh thiết ở bắp tay và bắp chân trước khi bay vào không gian và ngay sau khi trở về trái đất. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm hiểu sinh thiết cơ của những phi hành gia làm việc trong thời gian dài trên ISS.
Fitts và các đồng nghiệp nhận thấy sức mạnh trong các sợi cơ chậm (slow-twitch) ở bắp chân của các phi hành gia giảm hơn 40%. Cơ chậm có vai trò quan trọng đối với tư thế đứng và khả năng giữ thăng bằng của người.
Theo Fitts, tỷ lệ giảm sức mạnh 40% trong cơ chậm ở bắp chân tương đương với việc tuổi của một người tăng gấp đôi. Những phi hành gia có bắp chân càng lớn thì tốc độ teo cơ trong vũ trụ càng tăng. Thậm chí sức mạnh cơ bắp của nhiều người chỉ bằng những cụ già 80 tuổi.
Từ trước tới nay các phi hành gia trở về trái đất từ ISS phải trải qua một quá trình trị liệu về thể chất. Họ gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng nên không thể lái xe sau hai tới bốn tuần kể từ khi trở về. Mỗi nhà du hành thường làm việc trên ISS trong 6 tháng, còn một chuyến bay tới sao Hỏa diễn ra trong ít nhất ba năm.
NASA đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc vận động trên vũ trụ. Vì thế mà ISS được trang bị xe đạp cố định, máy chạy và nhiều thiết bị tập thể dục khác. Tuy nhiên, hiện tượng thoái hóa cơ bắp vẫn xuất hiện ngay cả khi các phi hành gia tập thể thao trong một hoặc hai tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Ngoài tập luyện thể dục chăm chỉ, các phi hành gia cũng phải ăn nhiều hơn nữa, Fitts nhấn mạnh. Các bữa ăn cũng phải được đem đến ngay sau khi họ tập luyện xong.
“Tất cả nhà du hành mà chúng tôi nghiên cứu đều không nạp đủ lượng calorie cần thiết cho sự duy trì cơ bắp”, ông nói.
Song vấn đề nằm ở chỗ cảm giác thèm ăn của phi hành gia hầu như biến mất khi họ bay trong vũ trụ, một phần do họ phải làm quá nhiều việc.
Gregory Adams, nhà vật lý thiên văn của Đại học California, Mỹ cho biết, các động tác tập luyện thể dục trong môi trường không trọng lượng hầu như chẳng hề tác động tới các cơ bắp chân. Vì thế chúng rất dễ teo. Ngoài ra, do thể trạng của các phi hành gia không giống nhau nên mức độ thoái hóa cơ của mỗi người cũng khác. Cơ bắp của một số người teo rất nhanh trong vũ trụ dù họ dành rất nhiều thời gian để tập thể dục và tập rất đúng phương pháp.
Nghiên cứu của nhóm Fitts sẽ được công bố trên tạp chí Physiology của Mỹ vào tháng 9 tới.
(Theo VnExpress)
0 Comments