Việc thư rác lừa phỉnh nạn nhân bằng cách tung tin cái chết của những nhân vật đình đám không hề mới, nhưng chúng luôn gây bất ngờ ở sự hiệu quả. Rõ ràng, người dùng vẫn không hề lắng nghe các bản tin cảnh báo trên báo, đài và rất dễ bị thu hút bởi những sự kiện giật gân, sốt dẻo.
>>
5 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tinh vi
>>
Cảnh giác với chiêu lừa đảo hack thẻ nạp điện thoại
>>
“Mỹ nhân” lừa đảo thời internet
>>
Kẹt net - cứu nét - coi chừng
Tên tuổi của David Beckham cũng thường xuyên bị hacker lợi dụng
Hãng bảo mật Symantec cho biết thời gian gần đây, số lượng thư rác với tiêu đề là những người nổi tiếng vừa qua đời do tai nạn ô tô hoặc máy bay đã tăng vọt, thậm chí là "bùng nổ". Mưu đồ của hacker là nhằm phát tán virus, thông qua các tập tin đính kèm dạng HTML hoặc nén (zip).
"Việc sử dụng tên người nổi tiếng để đánh lừa người nhận click vào file đính kèm hoặc URL có chứa mã độc chỉ là phương thức cũ. Nhưng vì lý do nào đó, cách thức này vẫn thu được thành công bởi những kẻ tấn công ngày càng giỏi hơn trong việc đánh vào tâm lý tò mò của nạn nhân", các chuyên gia Symantec cho biết.
Lấy thí dụ, trong một cuộc tấn công, hacker giật tiêu đề là nam tài tử điển trai Brad Pitt đã mất. Để tăng thêm yếu tố li kỳ và độ tin cậy cho thông tin, chúng còn đế thêm rằng Pitt đã chết cùng với 34 người khác trong một chuyến bay, do máy bay đâm vào sườn núi khi đang chuẩn bị hạ cánh. Muốn biết thêm chi tiết, người nhận phải mở file đính kèm để xem ảnh.
Theo Symantec, tiêu đề của các thư rác độc hại kiểu này thường là: Beyonce Knowles đã chết; Bon Jovi đã chết; Brad Pitt đã chết; Cameron Diaz đã chết; David Beckham đã chết; Jennifer Lopez đã chết; Johnny Depp đã chết; Justin Timberlake đã chết; Miley Cyrus đã chết; Nicole Kidman đã chết; Ronaldinho đã chết; Tiger Woods đã chết; Tom Cruise đã chết...
Ngoài tên các nhân vật nổi tiếng, hacker cũng hay mạo danh các tờ báo có uy tín để làm tăng thêm độ tin cậy cho thư rác và đánh lừa người dùng. Tốt nhất, bạn không nên mở bất kỳ một tập tin, đường link nào bên trong email gửi đến từ một nguồn không biết trước. Thậm chí cả với những lá thư được gửi đi từ địa chỉ email người quen, bạn cũng nên xác nhận lại xem có đúng họ đã gửi email đó hay không trước khi mở file.
(Theo VietNamNet)
0 Comments