Nhiều người truyền tai nhau rằng rượu rắn, bò cạp, cá ngựa… chữa được liệt dương, sưng khớp, đẻ khó, thậm chí cả hiếm muộn. Nhưng theo các bác sĩ, ngoài một ít công dụng, chúng chỉ khiến người uống mang thêm bệnh.
Nhiều như rượu bổ "quý hiếm"Một số tiệm bán rượu quảng cáo, rượu cá ngựa còn có thể trị chứng hiếm muộn ở phụ nữ, chữa sản phụ đẻ khó…, trong khi rượu sâu chít lại điều trị hiệu quả chứng suy dinh dưỡng, nâng cao thể trạng…
Theo bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, các thành phần từ rượu không thể giúp phụ nữ sinh nở dễ hơn. Trong khi đó, việc sinh khó do nhiều nguyên nhân, có thể do đầu em bé to hơn khung xương chậu của người mẹ, bé sinh ngược, nhau bám ngay ở cổ tử cung, dây rốn ngắn… Tất cả những trường hợp này đều phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Vì thế nói rượu cá ngựa có tác dụng thúc đẻ, giúp sản phụ đẻ khó và việc quảng cáo điều trị hiếm muộn ở phụ nữ chỉ là bịa đặt. Loài cá ngựa chỉ giúp gây hưng phấn, chữa khò khè, hỗ trợ cho bệnh nhân viêm thận mãn.
Mặt khác, thành phần của rượu chủ yếu là cồn, có quá ít hoặc không có chất đạm, chất béo hay các men vi sinh để kích thích tiêu hóa. Hơn nữa, không ai uống một lượng rượu rất lớn để bù đủ những thành phần dinh dưỡng đó. Do vậy, rượu không có khả năng điều trị bệnh suy dinh dưỡng hay nâng cao thể trạng, vì nếu uống nhiều sẽ gây ra các bệnh cho gan, dạ dày, rối loạn tâm thần.
Còn TS Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, cho biết mỗi ngày có khoảng 160 bệnh nhân bị rối loạn cương đến điều trị tại bệnh viện, trong đó có nhiều bệnh nhân đến chữa yếu sinh lý vì một thời sưu tầm “uống gì bổ nấy”
Theo bác sĩ Như, rượu uống ít sẽ kích thích một chút hưng phấn, giúp kéo dài thời gian xuất tinh. Nhưng nhiều người lại ngộ nhận, cứ săn lùng những loài động vật nào có hình dáng, đặc tính như phái mạnh sẽ rất tốt cho cơ thể nam giới. Do đó, dân gian cứ đua nhau uống rượu ngâm dương vật, pín của các loài động vật, hay rắn biểu tượng cho sức dẻo dai, bổ củi tượng trưng cho sự khỏe mạnh… Trong khi để điều trị rối loạn cương, xuất tinh, cần điều trị bằng thuốc, do các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và kê đơn.
Bác sĩ Phạm Hồng Nga, Viện Y dược học dân tộc TP HCM, cho biết rượu rắn sẽ giúp chân tay đỡ đau nhức. Tuy nhiên, người bị sưng khớp, viêm khớp nếu uống rượu rắn sẽ làm khớp sưng thêm. Rượu còn phá hủy canxi, gây loãng xương nếu uống quá liều.
Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, trong các bài thuốc bổ thận tráng dương của Đông y không có các vị từ gấu hoặc hổ.
Trong Đông y có ngũ vị, ngũ sắc, ngũ thể, các chất sau khi ăn sẽ biến hóa thành ngũ vị, đi vào các cơ quan trong cơ thể. Ví dụ chất có vị chua sẽ đi vào gan, mặn đi vào thận, ngọt đi vào tỳ, đắng đi vào tâm, cay đi vào phế. Chính vì thế, quan điểm ăn gì bổ nấy hoàn toàn sai. Ví dụ gan lợn không có vị chua nên không đi vào gan, dù người dân có ăn gan động vật nhiều đến mấy cũng không có tác dụng bổ gan.
“Rất nhiều người đang hiểu sai hoặc cường điệu hóa để đánh lừa người dân về tác dụng của các loài rượu ngâm động vật quý hiếm nhằm trục lợi bản thân. Trong sách y văn, chân gấu, chân hổ có tác dụng bồi bổ cơ thể chung chung chứ không phải như một loại thần dược khiến người ta có thể hồi xuân, cường tráng khỏe mạnh. Các loại cao từ hổ, gấu, ngựa chỉ có tác dụng trừ phong thấp, đau gân cốt chứ không có tác dụng bổ thận tráng dương”, bác sĩ Hướng nói.
(Theo Đất Việt)
0 Comments