Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM đưa ra ý kiến trong giới khoa học về xây dựng đô thị Internet tại các cao ốc thế chỗ cảng Sài Gòn vào năm 2010.Theo ông Trực, khu vực cảng Sài Gòn nằm gần trung tâm TP, đối diện khu đô thị mới Thủ Thiêm và là một thương hiệu quốc tế hàng trăm năm, có bến Nhà Rồng lịch sử, thuận lợi cho việc phát triển đô thị internet.
Một Dubai tại Việt NamNhững ai quan tâm đến khái niệm đô thị internet chắc hẳn không xa lạ gì về thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Được xây dựng vào năm 1999, Dubai trở thành điển hình cho toàn cầu về mô hình đô thị internet.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Cisco Việt Nam kể rằng, năm 2003, khi dẫn đoàn Khu Công nghệ cao TP HCM sang thăm, ông cảm thấy choáng ngợp vì quy mô, ý chí và tầm nhìn của người dân ở đây.
Năm 2000 mà ở Dubai đã có đường dây cáp quang chạy đến từng hộ dân với tốc độ cao. Mạng đô thị ở đây tốc độ đã lên tới 5Mbps. Một doanh nghiệp muốn đến làm việc thì chỉ sau 3 ngày là có toàn bộ giấy phép, văn phòng và internet để sử dụng. Hiện nay, toàn bộ Dubai đã được phủ sóng wifi.
Trước khi biết đến một thành phố Dubai internet, ông Phạm Chánh Trực đã có ý định đưa internet vào Khu công nghệ cao TP HCM để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào đây. Khi đoàn tham quan từ Dubai trở về, ông càng khẳng định thêm hướng đi của mình.
Sau này, với tư cách là Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Chip Sáng, ông Trực đã cho xây dựng toà nhà của công ty là nhà thông minh, có thể xem như là mô hình đô thị internet thu nhỏ.
Mô hình đô thị internet ở khu vực cảng Sài Gòn có diện tích 35-40 ha với 6 khu vực chính, gồm: khu nghiên cứu CNTT - viễn thông, thiết kế vi mạch, dịch vụ internet (25 ha) nằm dọc cảng Khánh Hội và cảng Tân Thuận; khu thương mại dịch vụ giải trí, nhà ở chuyên gia (6 ha); khu du lịch – khách sạn – cảng du thuyền; khu tài chính – ngân hàng; Khu điều hành – kỹ thuật hỗ trợ; khu hội nghị triển lãm giao lưu quốc tế.
Tổng vốn đầu tư từ 120 - 200 triệu USD. Điểm nhấn của đô thị internet này là phát triển ứng dụng internet vào các thiết bị di động bằng cách xây dựng một khu công nghệ cao về công nghệ di động.
Với quan điểm, CNTT - viễn thông là công cụ quan trọng nhất, ông Phạm Chánh Trực cho rằng cần phải hình thành các trung tâm ICT và các đô thị internet ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng – Huế, Vĩnh Long – Cần Thơ.
Xây dựng mạng băng thông rộng và trung tâm dữ liệu là cơ sở phát triển tổng thể ICT. Ông kiến nghị trung ương và TP HCM chấp thuận chủ trương phát triển ICT và công nghệ di động là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020.
Mang lại nhiều lợi ích
Mô hình internet nói trên hướng đến 3 mục tiêu: Hạ tầng phục vụ các công ty, tổ chức quốc tế; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong nước vào lĩnh vực công nghiệp nội dung số, sản xuất gia công phần mềm, cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng, thương mại điện tử, giáo dục từ xa; hình thành không gian ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, chuyển giao công nghệ. Với mô hình này, ông Trực hy vọng sẽ tạo ra siêu lợi nhuận từ việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo ông Phan Thanh Sơn, đô thị internet sẽ thu được nhiều lợi ích khác nhau như tăng năng suất lao động, tăng GDP, tăng chất lượng sống, tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, thu hút lao động đẳng cấp, tăng khả năng quản lý…
Với kinh nghiệm tham gia vào nhiều dự án theo kiểu đô thị internet, ông Sơn nhận định, TP HCM có thể phát triển đô thị internet gồm nhiều tiểu đô thị khác nhau. Phải xác định đô thị internet cho một mục tiêu cụ thể, chẳng hạn Dubai được thiết kế cho các doanh nghiệp công nghệ cao còn TP năng lượng ở Qatar phục vụ các công ty dầu khí.
Theo ông Phan Thanh Sơn, đô thị internet là đưa internet vào để biến các dịch vụ internet thành sức mạnh cạnh tranh, tạo giá trị sống cho người dân. Vì thế, ở Việt Nam đã có một số mô hình internet thành công khi thu hút nhiều doanh nghiệp chỉ trong thời gian ngắn như: công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghệ cao TP.HCM, toà nhà Etown…
Hiếu Hiền(báo Đất Việt)
0 Comments