Bộ nhớ cho dòng điện memristor, máy tính nhanh nhất thế giới, gửi e-mail từ vũ trụ... nằm trong số những công nghệ được tạp chí Time (Mỹ) đánh giá cao nhất.
1. Large Hadron Collider.
Dự án máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới đã thu hút hàng nghìn kỹ thuật viên và nhà nghiên cứu tham gia để xây dựng đường hầm dài 27 km mà các proton sẽ di động trong đó với vận tốc bằng 99,9999991% vận tốc ánh sáng từ nhiều hướng và tạo nên một vụ nổ trong 1/6.000 giây. Việc mô phỏng vụ nổ sẽ giúp giới khoa học giải đáp những câu hỏi lớn của vật lý như: Không gian thực chất có mấy chiều? Tại sao không có phản vật chất trong thế giới của chúng ta? Chính xác là điều gì đã xảy ra trong vụ nổ lớn? Thật sự có hạt Higgs tạo khối lượng cho hạt cơ bản theo mô hình chuẩn của vật lý hay không? Thí nghiệm đáng ra đã được thực hiện vào tháng 9/2008 và thu hút số người theo dõi kỷ lục nhưng bị hoãn đến đầu 2009 do sự cố quá nhiệt.
2. Internet trên vũ trụ.
Duy trì liên lạc ổn định trong quỹ đạo không hề dễ dàng, do đó giao thức Internet "liên hành tinh" phải được phát triển làm sao để hạn chế tối đa sự chậm trễ và đứt kết nối. Tháng 9/2008, một vệ tinh sử dụng giao thức này đã truyền hình ảnh mũi Hảo vọng (Cape of Good Hope) được chụp từ vũ trụ về trái đất.
3. Siêu máy tính nhanh nhất.
Ngày 26/5, supercomputer của IBM mang tên RoadRunner trị giá 133 triệu USD đã đạt tốc độ gấp 5 lần BlueGene/L và vươn tới ngưỡng 1 triệu tỷ phép tính mỗi giây (petaflop) - điều mà hãng điện tử NEC của Nhật dự đoán sẽ hoàn thành vào 2010. Và mục tiêu tiếp theo của nhân loại sẽ là siêu máy tính tốc độ exaflop (tỷ tỷ phép tính/giây).
4. Bộ nhớ memristor.
Các nhà khoa học đã nghe nói đến giả thuyết về bộ phận thứ tư trong mạch điện (ngoài điện trở, cảm điện và điện dung) từ cách đây 37 năm nhưng đến 30/4/2008, HP mới công bố một mạch điện chứa 17 memristor, mỗi memristor gồm 2 màng mỏng titanium dioxide. Khi có dòng điện đi qua, đường biên giữa hai lớp màng này sẽ chuyển động, làm thay đổi điện trở và ghi nhớ thông tin. Ứng dụng đầu tiên của memristor là giúp máy tính từ bỏ khái niệm "khởi động", tức có thể sẵn sàng hoạt động nhanh như người ta bật bóng đèn.
5. Trò chơi Spore.
Người chơi game Spore bắt đầu từ một tế bào đơn và tồn tại bằng cách ăn thịt vi sinh bé hơn, trốn chạy những kẻ thù lớn hơn để dần tiến hóa thành ông tổ của cả một nền văn minh. Từ đây, họ có thể phát triển giống nòi và đưa chủng nhân vật của mình xâm chiếm các hành tinh khác. Đó là những gì Will Wright - tác giả thế giới ảo The Sims - đã thực hiện để biến Spore (ra mắt tháng 9) thành một trong những dự án game mô phỏng nhiều tham vọng nhất trong lịch sử.
6. Màn hình sinh học.
Nhà nghiên cứu Babak Parviz thuộc Đại học Washington (Mỹ) đã tạo ra một kính áp tròng sử dụng màn hình LED và vi mạch để lướt web hay hiển thị hình ảnh, bản đồ, dữ liệu, tốc độ lái xe... trong không gian.
7. Áo tàng hình.
Đại học UC Berkeley (Mỹ) đã đạt bước tiến lớn trong việc tạo một tấm áo khoác như của nhân vật phù thủy Harry Potter. Họ dùng một lớp chất liệu bằng kim loại và một lớp sợi dây bạc nhỏ không hấp thụ hay phản chiếu ánh sáng. Nguyên tắc hoạt động của áo tàng hình là ứng dụng hiện tượng khúc xạ (giống như làm gãy đôi chiếc que khi để trong cốc nước).
8. Internet của đồ vật.
Tháng 9 vừa qua, một nhóm các hãng công nghệ cao, trong đó có Cisco và Sun đã thành lập liên minh "IP cho vật thể thông minh" (IP for Smart Objects Alliance). Tổ chức này dự định tạo một mạng lưới cho phép các ứng dụng tích hợp cảm biến (sensor) trong gia đình, công ty... có thể liên lạc với nhau như cách con người vẫn giao tiếp qua mạng Internet.
9. Đồng hồ không kim không số.
Hệ thống Corpus Clock của nhà phát minh người Anh John Taylor như một người luôn nhắc nhở ta về cuộc sống ngắn ngủi. Giờ, phút và giây được hiển thị qua đèn LED. Một chú cào cào di chuyển sinh động trên đỉnh đồng hồ và cứ mỗi giờ trôi qua, một mắt xích lại rơi xuống chiếc áo quan giấu phía sau. Chiếc đồng hồ này được chính nhà vật lý Stephen Hawking công bố vào tháng 9/2008.
10. Camera cho người mù.
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng máy ảnh Touch Sight cho phép người khiếm thị cũng có thể chụp ảnh. Họ giữ camera trên trán và màn hình Braille phía sau sẽ tạo hình nổi của bất cứ cảnh gì ống kính đang hướng tới.
Lê Nguyên (theo Time)
0 Comments